Giới thiệu về Trường
Vốn là một dân tộc giàu óc thẩm mỹ và tiềm năng sáng tạo, nên ngay từ khi sang cai trị và tiếp xúc với nước ta, nhà cầm quyền Pháp đã nhận thấy nghệ nhân Việt Nam rất khéo tay và thông minh, có thể làm ra nhiều vật dụng với những kiểu mẫu rất đẹp nên đã lập ra một số trường mỹ thuật thực hành (nghệ thuật ứng dụng) ở Nam Kỳ vào những năm đầu thế kỷ XX như: Trường Bá nghệ ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào năm 1901, Trường Mỹ thuật Biên Hòa (Đồng Nai) vào năm 1903 và Trường vẽ Gia Định năm 1913 để truyền đạt có hệ thống chuẩn mực kiến thức trang trí mỹ nghệ thực hành.
“Trường dạy vẽ” (École de Design), thường gọi là Trường vẽ Gia Định được thành lập năm 1913 là tiền thân của Trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM ngày nay. Năm 1917, Trường vẽ Gia Định là trường mỹ thuật duy nhất được xếp vào loại “trường trung học đệ nhất cấp” và được nhận là hội viên của Hiệp hội Trung ương Trang trí Mỹ thuật Paris. Đây là cột mốc quan trọng vì lần đầu tiên học sinh của trường được tiếp xúc với hội họa phương Tây. Trường bắt đầu đào tạo có hệ thống, có phương pháp khoa học thay cho cách đào tạo truyền nghề.
Năm 1940, trường vẽ Gia Định được đổi tên thành Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (Ecole des Arts appliqués de Gia Đinh). Từ đây chương trình đào tạo của Trường dần dần được cải thiện, thêm môn trang trí tổng quát, luật viễn cận, ký họa… nhờ thế mà Trường đã đưa học sinh thâm nhập thực tế cuộc sống, phản ánh cuộc sống của nhân dân lao động trong những tác phẩm nghệ thuật.
Tháng 10 năm 1954 khi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm thời chia làm hai miền, theo nguyện vọng của giới họa sỹ, chính quyền lúc bấy giờ đã chấp thuận thành lập Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật tại Sài Gòn.
Năm 1971, Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định đổi tên thành Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật.
Trong suốt quá trình tồn tại dưới chế độ cũ, tuy có những hạn chế lịch sử nhưng hai trường là Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn đã đào tạo được nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc tài năng, có nhiều cống hiến to lớn cho nền mỹ thuật nước nhà cũng như trong sư nghiệp đào tạo. Nhiều người đã tham gia Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần đặt nền tảng cho nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam như họa sỹ: Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Kao Thương, Diệp Minh Châu, Hồ Văn Lái, Hoàng Tuyển, Quách Đống, Nguyễn Hiêm, Trần Văn Lắm, Huỳnh Phương Đông, Hoàng Trầm, Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Văn Kính, Quách Phong… Còn một số vì hoàn cảnh phải sống trong vùng tạm chiến, dù chuyên sáng tác hay đào tạo, hầu hết vẫn giữ tình cảm với đất nước, với cách mạng, giữ lòng yêu nghề chân chính.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam toàn thắng, cùng với đoàn quân tiến vào Sài Gòn, tổ quân quản trực thuộc Phòng Mỹ thuật Trung ương Cục miền Nam vào tiếp quản Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.
Được sự chi viện tích cực từ miền Bắc, các họa sỹ thuộc Phòng Mỹ thuật giải phóng miền Nam cùng lực lượng tại chỗ tuy còn những bỡ ngỡ, lo âu nhưng trong không khí chung của toàn dân tộc, vui mừng vì chiến tranh đã chấm dứt, đất nước hoàn toàn độc lập, tự do đã cùng nhau bắt đầu chuyển cơ sở đào tạo của hai trường cũ thành một trung tâm đào tạo mỹ thuật của cách mạng.
Ngày 26 tháng 6 năm 1975, Bộ Thông tin Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra quyết định bổ nhiệm Ban lãnh đạo nhà trường và giao nhiệm vụ soạn thảo chương trình để kịp khai giảng năm học mới.
Sau 6 tháng chuẩn bị, ngày 8 tháng 11 năm 1975, nhà trường khai giảng niên học đầu tiên đào tạo song song hai cấp trung học và đại học.
Giai đoạn từ 1975 đến 1981:
Nhà trường mang tên Trường cao đẳng Mỹ thuật TP.HCM, đã hoàn thành việc bố trí đều khắp cán bộ mỹ thuật trung học, đại học cho các tỉnh thành, đặc khu ở phía Nam, cho quân đội và các ngành kinh tế, văn hóa xã hội đóng tại phía Nam. Nhà trường chú trọng hai khâu quan trọng nhất là cơ bản tạo hình và mối quan hệ của nghệ thuật với cuộc sống, đồng thời từng bước thực hiện phương châm đào tạo toàn diện và đồng bộ.
Với thành tích trên, ngày 29 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng quyết định đổi tên trường thành Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn từ 1981 đến 1986:
Là giai đoạn phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là thời kỳ nền kinh tế đất nước suy thoái nghiêm trọng, cơ chế quan liêu bao cấp đè nặng trên mọi lĩnh vực. Nhà trường đã phải tìm nhiều hướng để lo ổn định đời sống cho thầy và trò, đồng thời vẫn kiên trì các nguyên tắc, phương châm và phương pháp đào tạo.
Giai đoạn từ 1986 đến nay:
Là giai đoạn thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, có thể coi là giai đoạn đổi mới toàn diện và đồng bộ các mặt từ mềm hóa và mở rộng phương thức, đa dạng hóa các loại hình và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ở mỗi năm học, nhà trường từng bước cải tiến, hoàn thiện và nâng cao tính khoa học, hệ thống hóa, đúc kết kinh nghiệm, chú trọng khâu hiệu quả, chất lượng của quá trình đào tạo làm phương pháp khoa học cho việc hình thành bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật cho sinh viên.
100 năm qua, thầy trò Trường Vẽ Gia Định trước đây – Trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM ngày nay không ngừng phấn đấu giảng dạy, học tập và đã kế thừa, bảo tồn và phát huy tốt truyền thống nghệ thuật dân tộc cũng như tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
100 năm – một thế kỷ hình thành và phát triển, đó là truyền thống tốt đẹp của nhà trường. Việc quan trọng của thế hệ hiện tại và tương lai là phải ra sức phấn đấu để giữ vững và phát huy được truyền thống tốt đẹp ấy. Đây là nhiệm vụ nặng nề và vinh quang nhằm xây dựng Trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM có thương hiệu, uy tín và chất lượng trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển.
Tags :